Người theo dõi

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

SILENCE FILM



Có lẽ mục tiêu không thể thiếu để làm nên sự thành công của bất kì một bộ phim nào là cho người xem cảm được và hiểu được thông điệp mà nó muốn truyền tải, một ý nghĩa sâu xa hơn những gì đang diễn ra trong mỗi cảnh quay. Và “Silence” cũng không ngoại lệ.

Là bộ phim lịch sử năm 2016, được đạo diễn bởi Martin Scorsese - người đồng sáng tác kịch bản với Jay Cocks, “Silence” kể về linh mục Ferreira thuộc Dòng Tên ở Bồ Đào Nha đã chối đạo công khai và giúp chính quyền Nhật Bản bách hại các Kitô hữu. Để đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng này, hai linh mục trẻ tuổi là Cha Rodrigues và Cha Garupe xin được đi tìm hiểu điều gì đã xảy ra với Ferreira và tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho các Kitô hữu Nhật Bản bị bách hại. Qua “Silence”, người xem được hứa hẹn sẽ chạm tới một nhận thức mới hơn về Thiên Chúa, về Nhật Bản trong thế kỉ XVII nhiều hỗn độn dưới thế lực của các nhà cầm quyền; về sự kiên cường của các Kitô hữu; về tính cách nhân vật mang tên Kichijiro và cuộc đời của các linh mục Dòng Tên chối đạo trên chính mảnh đất mà họ đã can đảm đặt chân đến để gieo trồng đức tin.

Như lời tường thuật của Ferreira trong phim, Nhật Bản được biết đến không giống như cái tên người ta thường gọi “Đất nước mặt trời mọc”. Đúng hơn nó được nhìn nhận là xứ sở của đầm lầy, mây mù, tăm tối, chết chóc và những tiếng rên rỉ đến rợn mình. Khoảng những năm 1600, chính quyền Nhật thực thi chính sách “Tỏa Quốc”. Các thương gia, trừ người Hà Lan và người Trung Hoa, đều bị cấm tới đây, và người Hà Lan bị hạn chế, chỉ được phép đến một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki. Vì thế, không lạ gì khi hai linh mục truyền giáo Dòng Tên lại phải xuống tàu buôn của người Trung Hoa mới tới được Nhật Bản, mặc dù theo lịch sử Bồ Đào Nha lúc bấy giờ rất phát triển về giao thương. Song song với chính sách đó, Nhật Bản còn thực hiện các cuộc đàn áp, bách hại tàn bạo với tất cả những ai truyền bá và theo Kitô giáo. Sự phản đối của chính quyền Nhật với Kitô giáo nhắm vào những yếu tố chính trị phức tạp. Họ cho rằng sự có mặt của Ki-tô giáo có thể là chiêu bài cho các nước châu Âu tiếp cận, làm rối loạn Nhật Bản để dễ dàng xâm chiếm Nhật. Từ lúc đó, các hội truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành mối đe dọa nguy hiểm cần phải tiêu diệt; tiếp đến là để ngăn chặn những cuộc nổi loạn của nông dân chống lại các nhà lãnh đạo. Sự phản ánh chân thực một chế độ xã hội rất khắc nghiệt thời bấy giờ được thể hiện khá rõ nét qua hình ảnh những người nông dân nghèo khổ đa phần là Kitô hữu, họ khát khao có được cuộc sống tự do về tinh thần, và muốn thoát khỏi gánh nặng của đói kém, nặng nhọc, sưu cao thuế nặng…Bởi đó, biện pháp được cho là tốt nhất giúp chính quyền Nhật đạt được trọn vẹn hai mục tiêu trên là “đổ máu chính các Kitô hữu Nhật”, dù họ khẳng định rằng “không muốn bách hại mọi người”; họ không có niềm vui thực sự khi tra tấn các Kitô hữu, và chỉ xem nó như là hình thức.

Các cuộc bách hại diễn ra ngày càng gay gắt, thì lòng kiên cường của các Kitô hữu Nhật Bản càng được biểu lộ. Trong trường hợp không có một nhà thờ chính thức, họ đã bổ nhiệm các trưởng lão để thực hiện vai trò và chức năng của các linh mục, đặc biệt là làm phép rửa tội cho trẻ em. Họ họp nhau cầu nguyện dưới các hầm kín và buộc phải giấu diếm tín ngưỡng bằng cách vẫn thực thi những lễ nghi của đạo Phật. Sự giấu diếm và trốn ẩn của các Kitô hữu Nhật không vì lo sợ cho tính mạng cá nhân, nhưng vì đức tin, vì sự sống còn của người khác nữa: Họ sẵn sàng hy sinh chịu chết để “Bảo vệ các linh mục” thoát khỏi sự kiểm soát, nghi ngờ của chính quyền và nếu “Không làm những gì họ muốn, có thể người trong làng sẽ gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, không phải tất cả các Kitô hữu Nhật đều có cùng suy nghĩ như vậy. Khi chứng kiến những gian khổ, cực hình mà người thân của họ phải chịu so với mối lợi tiền bạc, sự sống đặt ra trước mắt đã làm cho không ít Kitô hữu thất vọng, e ngại, xung đột, bán đứng người khác và bỏ đạo. Còn lại những ai không chịu bỏ đạo đều phải chết dưới những hình thức man rợ như nhau: Ngâm mình trong thủy triều; thiêu sống; dìm xuống nước; chặt đầu; hay treo ngược xuống và cắt tĩnh mạch cho máu rỉ từ từ…Vẫn có những tiếng khóc kèm theo sự sợ hãi, rên rỉ, nhưng họ không chửi rủa, không than trách, không hận thù; họ đã hát, đã xưng tội, đã cùng nhau cầu nguyện, và xin ơn đối mặt với cái chết để “Chứng minh sức mạnh đức tin của mình và sự hiện diện của Chúa bên trong”. Chính niềm tin kiên cường đó đã đem đến sức mạnh không chỉ cho họ, nhưng còn thắp lên hy vọng và niềm tin, thậm chí cho cả những người đã mang Chúa đến với họ.

Linh mục Rodrigues và các Kitô hữu Nhật Bản 

Đúng như Ferreica từng khẳng định: “Sự dũng cảm của họ đem đến cho linh mục chúng tôi sức mạnh để ở lại đây bí mật”, một linh mục đã từng gieo trồng đức tin cho người Nhật, nhưng chính lúc này đây ông lại cần đức tin hơn bao giờ hết. Cần đức tin của những con người can đảm đối mặt và đã chiến thắng cái chết vì Đức Kitô; cần đức tin của chính mình dành cho Thiên Chúa trước những kết quả không như mong đợi của công cuộc truyền giáo.

Linh mục Ferreica trong một cảnh quay 
Nhân vật Ferreira xuất hiện không nhiều trong các cảnh quay của phim, và dường như rất mờ nhạt. Trong mắt người Nhật, Ferreica là kẻ đáng bị báng bổ vì đã chối đạo, lấy vợ và trở thành Phật tử. Nhưng nét gợn buồn lộ cả những ưu tư, khắc khoải một điều gì đó trên khuôn mặt linh mục lại khiến người xem phải lắng đọng nghĩ suy. Nói tới điều này, thiết nghĩ người có thể hiểu Ferreira nhiều hơn ai hết chính là Rodrigues - một linh mục ban đầu mạnh mẽ và kỷ luật hơn so với thầy mình là Ferreira và người bạn Garupe. Lòng sốt sắng và đức tin của anh đáng ngưỡng mộ, nhưng tầm nhìn của anh bị che khuất bởi sự ích kỷ và kiêu ngạo khi nói thầy mình là “Sự sỉ nhục” đối với Giáo Hội; chê bạn mình là “Linh mục tồi”. Rodrigues tin rằng tử đạo là vinh dự cao nhất mà một người theo đạo Thiên Chúa có đức tin có thể làm được, anh ta có thể sẵn sàng chịu bất kỳ sự tra tấn nào đối với đức tin của mình. Giống như Phê-rô, anh đã từng xác tín rằng “Con sẽ không bỏ Ngài”, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự trung thành của anh ta đối với Thiên Chúa lại được trả giá bằng cách gây đau khổ cho người khác? Cả Ferreira và Rodrigues bị buộc phải lựa chọn hoặc giẫm lên hình ảnh của Chúa Kitô để biểu thị sự bội đạo hoặc xem các Kitô hữu Nhật Bản lần lượt chết một cách chậm chạp, ghê gớm vì chờ trông sự thay đổi của mình. Cả hai đều quyết định “giẫm lên Chúa” bằng chân của mình để cứu những Kitô hữu vô tội; hành động ấy gánh hết trách nhiệm vì “điều” họ đã mang đến. Hành động trong niềm tin vào lòng thương xót Chúa và rằng có những điều còn quan trọng hơn sự phán xét của Giáo Hội.

Mặc dù cả hai đều rơi vào lịch sử như những linh mục sa ngã dưới bàn tay của các nhà cầm quyền Nhật Bản, nhưng đối với những Kitô hữu Nhật, đó lại là sự hy sinh âm thầm mà vô cùng lớn: Từ bỏ đức tin của mình, làm cho chính mình mất đi phẩm giá, tạo sự thất vọng trong mắt Giáo Hội và dùng trí thức phục vụ quyền lợi của chính quyền Nhật để ngăn chặn các đối tượng Kitô giáo bất hợp pháp xâm nhập vào Nhật Bản, để cuộc bách hại không còn xảy ra đối với những người Kitô hữu Nhật Bản còn lại nữa. Cách riêng với bản thân họ, bí mật ấy vẫn được giữ kín cho đến chết. Bí mật về một đức tin được ghi dấu bởi sự đau khổ và lòng thương xót thiêng liêng giữa Thiên Chúa và con người.
Dẫu biết rằng Rodrigues đã chối đạo, bản thân Kichijiro - một người Nhật khốn khổ bất hạnh mà Rodrigues tìm thấy ở Trung Hoa và thuê làm hướng dẫn viên, vẫn coi Rodrigues là một linh mục và là người có thể tha tội cho mình. Anh ta là một biểu tượng cho sự yếu đuối và phản bội. Kichijiro liên tục từ bỏ đức tin của mình để cứu chính mình và phản bội Rodrigues vì ​​tiền, nhưng luôn chạy theo Rodrigues cầu xin sự tha thứ. Đúng hơn, anh ta muốn là một Kitô hữu, nhưng trong thời kỳ đó Kitô giáo là một đạo bất hợp pháp, anh ta thường xuyên bị tra vấn và khinh thường đức tin của mình, anh buộc phải đối mặt với việc mình là một kẻ hèn nhát bẩn thỉu; anh tự hỏi tại sao Thiên Chúa khiến anh yếu đuối hơn mạnh mẽ. Một Kichijiro liên tục “giẫm lên Thiên Chúa” nhưng vẫn tin, mãi mãi khao khát được tha thứ và vẫn tìm kiếm sự cứu rỗi, cuối cùng cũng chiến thắng bản thân trong cả tư tưởng và hành động khi dám chịu trách nhiệm về “một biểu tượng” Kitô hữu mà anh luôn mang theo bên mình. Điều này chứng tỏ anh đã được biến đổi hoàn toàn, anh không còn sợ hãi nghĩ đến mình khi phải đối mặt với thách thức của nhà cầm quyền, anh đã chết như một vị tử đạo - điều mà trước kia anh không đủ sức mạnh để làm.

“Silence” kết thúc làm cho người xem có vẻ hụt hẫng khi nhìn vấn đề hoàn toàn là một thất bại và những nghi vấn: Thất bại cho Giáo hội, thất bại bởi các nhà truyền giáo, thất bại trong đất nước Nhật Bản... Nếu con người dành sự cảm thông cho thất bại này, liệu họ có đang lạm dụng lòng thương xót của Thiên Chúa mà biện hộ cho sự yếu đuối của mình hay không? Đức tin Kitô giáo còn giữ được tinh tuyền hay sớm bị biến chất bởi một Kitô giáo hình thức? “Silence” cũng tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa niềm tin Kitô giáo và Phật giáo, quan điểm của châu Âu với châu Á, và về thuyết tương đối của đức tin. Nếu Kitô giáo đã thay đổi ở Nhật Bản, liệu nó còn là đức tin giống như những nhà truyền giáo đã tuyên xưng?

Vì thế, khi đứng trước những vấn nạn về đức tin, chủ đề một Thiên Chúa luôn “Thinh lặng” vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời cho thắc mắc muôn thưở của con người: Có Thiên Chúa hay không; nếu có tại sao Thiên Chúa lại im lặng để cho sự dữ xảy ra, và đâu là ý nghĩa của sự đau khổ mà con người phải chịu...Dĩ nhiên, Thiên Chúa sẽ không trả lời cho con người biết nguồn gốc của sự đau khổ, Ngài chỉ cho con người biết cách xử sự và đón nhận nó như thế nào, vì chính trong đau khổ và sự dữ, đức tin của con người mới được củng cố và trưởng thành hơn. Sự thinh lặng của Thiên Chúa cho ta ý thức khiêm tốn khi đứng trước các điều bí ẩn của sự sống: Có những điều vượt quá khả năng nhận thức của con người, và điều ta có thể làm là cúi đầu trước mầu nhiệm của Thiên Chúa.

“Thinh lặng” không phải là nhắm mắt làm ngơ, mà đó là sự thấu hiểu tới tận cùng “Ta được sinh ra ở đây để chia sẻ nỗi đau của con người, ta mang thánh giá đau khổ cho con”, Thiên Chúa đã không chết vì điều tốt đẹp, nhưng Ngài chết vì sự dữ và rút từ những hành động của sự dữ mà cứu con người. Thiên Chúa nhìn thấy tất cả, lắng nghe tất cả, thấu hiểu tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Ngài không cấm, không trách, không ghét khi con người dùng lý trí của mình để chất vấn Ngài: Cứ than thở, cứ rên la, cứ van xin, cứ giãi bày…Đó chính là niềm tin Thiên Chúa muốn con người đặt vào bí ẩn của sự dữ; đó là cơ hội để cho Thiên Chúa hiểu con người và con người thể hiện lòng tin nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa thinh lặng đồng hành với con người trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài vẫn đang điều hành, chăm sóc và yêu thương con người qua tất cả tạo thành, và luôn mời gọi con người lên đường tìm kiếm Ngài qua mọi biến cố của cuộc sống, đặc biệt trong đau khổ. “Thinh lặng” nói lên một tình yêu hy sinh. Tình yêu hy sinh luôn nảy nở hoa trái cho dù con người có thấy điều đó hay không.
Dương Cầm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét