Người theo dõi

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Hậu corona: ngày mai thuộc về Cain hay Đức Kitô ?


Cái bình thường của ngày mai ?

Khi một vài nước Âu Châu đã dần dần nới lỏng cách ly cũng như vài sinh hoạt căn bản trên nhiều miền của nước Việt ít nhiều được hoạt động trở lại, thì câu hỏi về tương lai cũng dần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. “Ngày mai, sau khi cơn dịch bệnh đã qua, bạn sẽ làm gì?” Câu hỏi này, dù vẫn chưa ra khỏi cái chập chờn của tình trạng mơ ước, nhưng đã tượng hình cho cách nghĩ của từng người chúng ta về tương lai.

Cách đây vài hôm, một tờ báo online đã làm một phóng sự nhỏ, hỏi vài người dân sau khi hết cách ly họ sẽ làm gì trước tiên. Trong các câu trả lời, có những mong mỏi hết sức đơn giản, như đi hớt tóc, đi mua hàng bình thường, trở về quê thăm gia đình, thăm cha mẹ già, được đến trường với bạn bè. Người thường là thế! Nhưng còn những câu trả lời có tính quyết định hơn. Giả như câu hỏi này nếu được dành cho những người cầm bánh lái một đất nước thì sao? Chắc không nhà lãnh đạo nào không mong muốn đưa đất nước họ ra khỏi suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, để đà phát triển được tái thiết.

Tuy nhiên, bằng cách nào cho tương lai … mới là yếu tố quan trọng. Câu hỏi này thật ra là một dị bản của một câu hỏi khác, có màu sắc “tự phê bình” hơn: nhân loại, hiểu như là từng cộng đồng quốc gia, từng gia đình, từng con người, đã rút ra được bài học gì cho tương lai từ thử thách mang tên corona này. Với trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc và quốc tế, nhiều nguyên thủ đã đăng đàn, mở màn cho những cảm hứng về tương lai. Dưới đây là một ví dụ. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đọc những dòng sau đây vào buổi tối thứ Bảy Tuần Thánh, trong đêm trước ngày lễ Phục Sinh:

“Chúng ta đều khao khát trở về cái bình thường. Nhưng thật ra điều đó nghĩa là gì ? Có phải là về lại những thói quen, những quanh đi quẩn lại ngày cũ càng nhanh càng càng tốt? Không, thế giới của ngày mai phải là một điều gì khác. Nó sẽ thế nào? Điều ấy nằm trong vòng tay chúng ta. Chúng ta hãy học từ những kinh nghiệm, tốt cũng như xấu mà chúng ta đã trải qua trong cơn khủng hoảng này.

Tôi tin rằng chúng ta đang đứng trước một giao lộ. Thật ra ngay cả trong cơn khủng hoảng, chúng ta đã thấy được cả hai hướng mà chúng ta có thể chọn lựa rồi. Hoặc là mỗi người sẽ vì mình, tự xắn tay áo, chụp giựt để lôi con cừu mắc nạn của mình vào nơi an toàn? Hay là tiếp diễn những dấn thân dành cho tha nhân, dành cho xã hội mà cơn dịch này mới hâm nóng lại cho ta? Sẽ vẫn còn tiếp tục không những sáng tạo và sẳn sàng giúp đỡ đầy bộc phát mà ta đang thấy những ngày này ? Chúng ta sẽ tiếp tục giữ liên lạc với người hàng xóm già mà chúng ta đã đi mua đồ giúp ? Chúng ta vẫn tiếp tục bày tỏ những trân trọng dành cho người chị thu ngân hay anh giao hàng như đã làm trong những ngày qua ? Và còn nhiều nữa: sau cơn dịch, chúng ta có tiếp tục nhớ đến những người làm công việc không thể thiếu được, như điều dưỡng, săn sóc, những người làm vệ sinh công cộng, công tác xã hội, nhà trẻ hay trường học không? Có chân nhận giá trị của những lao động của họ nhiều hơn không? Liệu những doanh nghiệp vốn đứng vững sau cơn dịch sẽ giúp những doanh nghiệp bị tổn thất nặng đứng lại trên đôi chân của mình không?”

Thế giới hiện đại, sau vài tuần bị đặt vào tình trạng #stayhome – “sống tại gia” đã khao khát được quay lại cái bình thường, quay lại bản chất homo viator – con người dịch chuyển, quay lại bản chất homo laboris – con người làm ăn sinh sống của mình. Đây đó người ta đã phải biểu tình và gào thét đòi chính phủ phải nới lỏng lệnh “ngăn sông cấm chợ” để được đi làm, sinh hoạt cộng đồng, để thoát khỏi chế độ sống thoi thóp. Có nơi khác thì ao khát ấy được diễn tả cách im ắng hiền hoà hơn. Dân tộc lớn thì giải cứu gói tỉ đô, dân tộc nhỏ lặng lẽ đi nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại trong phần dự trữ lại của ngân sách từ nền kinh tế yếu ớt của mình.

Có lẽ chính thế giới toàn cầu hoá như đã từng thấy cho đến nay, vốn đã tiếp tay cho sự tăng tốc và phát tán của con virus tai hoạ kia, cũng đang mò mẫm tìm một phiên bản mới cho tình trạng toàn cầu hoá hậu corona cho mình. Hơn bao giờ hết, toàn cầu hoá, một lần nữa lại là một thách đố và một cơ hội mới. Nói như ông Steinmeier, chúng ta hoàn toàn có tự do để chọn một mô hình thế giới hậu corona. Hoặc là lấy lại ngày cũ trước tai hoạ hoặc phát huy bản chất con người sáng tạo của mình như là những ông chủ xứng đáng của tương lai. Từ góc độ Kitô giáo, hình ảnh của cách cũ và cách mới ấy có thể được thể hiện qua hình ảnh Cain, kẻ giết em mình hay Đức Kitô phục sinh, Đấng làm cho mọi sự tái sinh trong mầu nhiệm Thiên Chúa.

Toàn cầu hoá “cạnh tranh” hay toàn cầu hoá “liên đới”?

Hai hình ảnh của Cain và Christus, đến từ Kitô giáo, lại không nên bị bó hẹp từ góc nhìn tôn giáo. Đúng hơn, hai hình ảnh này có thể đóng vai trò biểu tượng cho chọn lựa của cộng đồng nhân loại trong việc xây dựng tương lai của mình. Với hình ảnh Cain, ta tự hỏi liệu có thể sẽ xảy ra một kịch bản buồn, khi những tất cả các nền kinh tế, dù còn là cộng sản hay tư bản, thế giới thứ nhất hay thứ ba, vốn đã bị bầm dập vì cơn dịch, sẽ lại lên cơn manh động, mong tái lập lại càng nhanh càng tốt sức mạnh của mình bằng mọi giá, kể cả sát hại những kẻ láng giềng bé nhỏ vốn cũng bị thương tổn về kinh tế không kém. Hình ảnh kẻ giết em mình vốn không lạ gì trong môi trường cạnh tranh bình thường, lại sẽ là một cơn cám dỗ không nhỏ để người ta bứt phá, lấy lại thế thượng phong ngày cũ. Người ta sẽ quay lại với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, chủ nghĩa cô lập và đặt lợi ý kinh tế-chính trị của mình trên hết, để lại vấn đề chung của cộng đồng nhân loại trong tình trạng “thả rông” hoặc “vô chủ”. Còn trong lối nghĩ vi mô, ai dám chắc rằng mình sẽ không rơi lại kiểu sống thói quen hưởng thụ và tiêu dùng, hoặc trong lòng vẫn theo đuổi một quan niệm kinh tế cạnh tranh và duy lợi nhuận bất chấp của ngày cũ.

Câu hỏi trong câu chuyện từ Kinh Thánh dành cho Cain sau khi giết chết em mình: “Em ngươi đâu?” là lời cảnh tỉnh mãnh liệt cho các nền kinh tế và văn hoá trong tương lai. Sau cơn bão dịch, tất cả đều mệt lả và yếu đau. Chúng ta sẽ cố gắng giúp nhau gượng dậy, từng chút một hay dùng sức mạnh còn nhiều hơn của mình để đập đầu đứa em không thể kháng cự được nữa kia ?

Đối lập với hình ảnh “sát đệ” của Cain, thần học Kitô giáo coi việc Chúa Giêsu chết và sống lại là nền tảng của mọi quan niệm và hành vi ứng xứ của người tín hữu. Những ngày mà hầu như toàn thế giới phải sống trong tình trạng cách ly lại rơi vào tuần người Kitô hữu kỷ niệm sự đau khổ, cái chết và sống lại của Đấng Sáng Lập tôn giáo của họ. Đó là một sự trùng hợp có ý nghĩa. Sự phục sinh của Chúa Giêsu là biểu tượng cho người kiến tạo một nền huynh đệ mới, nơi mọi quan hệ của họ với thiên nhiên, với nhau được thẩm thấu và bao bọc trong sự tốt lành và tình yêu vô biên của Đấng tối cao. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ của ông đi về tương lai, cùng nhau, và hướng lòng về những giá trị bền vững. Một trong những câu nói của Chúa Giêsu là “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày đến tận thế.”

Với Chúa Kitô, tương lai là sự hiện diện trung thành, tôn trọng bước đi về tương lai của từng thành viên nhưng đồng hành, đế ý đến nhau. Hình ảnh tương lai mà tôn giáo này cưu mang là thiên đàng. Thiên đàng sẽ không xảy đến nếu người ta “đơn thân độc mã” tìm kiếm nó, và lại càng xa vời với những thái độ kinh tế, chính trị, xã hội bắt nạt hay lợi dụng. Hãy đọc thêm vài dòng của ông Steinmeier:

“Chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm một giải pháp mới cho thế giới hay chúng ta rơi lại vào sự cố thủ hay đi một mình ? Chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau những tiến bộ trong nghiên cứu và hiểu biết để sớm tìm ra thuốc ngừa hay phác đồ điều trị, và chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một liên minh toàn cầu để cả những nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất cũng không bị bỏ rơi. Không, đại dịch này không phải là một cuộc chiến. Nước này không đứng lên chống nước kia, lính xứ này không đánh lính xứ khác. Đúng hơn cơn dịch này là một phép thử cho nhân loại. Nó phơi bày cái cao cả nhất cũng như cái hèn mọn nhất của con người. Nhưng chúng ta hãy chọn để cho nhau thấy cái phần cao cả nhất của chúng ta cho nhau!”

Kitô giáo sẽ không có một hướng đi nào khác cho thế giới hậu corona ngoài hình ảnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, là hình ảnh của con người chọn phần tốt nhất và cao cả nhất từ nhân tính của mình để cộng sinh. “Trời mới đất mới” mà Kitô giáo quan niệm là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng nhân loại để tiếp tục sống với nhau trong sự đùm bọc của thiên nhiên, không theo kiểu “terminator” – kẻ huỷ diệt, nhưng như “generator”, – người cưu mang và hạ sinh người khác từ lòng thương cảm vô điều kiện và trí thông minh ngay thẳng của mình.

Khi “corona” trở thành “vương miện” của tình người

Khi tôi chia sẻ góc nhìn hậu corona từ hình ảnh Cain và Christus cho một người bạn, anh trả lời rằng thế giới không chỉ hoàn toàn là Cain và thế giới cũng chưa thấm hết tinh thần của Christus đâu. Tôi nghĩ anh ấy có lý. Thế giới không chỉ là trắng và đen nhưng còn là sự dịch chuyển phức tạp và tinh tế giữa hai cực ấy. Nhưng dù sao, đóng góp của Kitô giáo về hướng đi cho cộng đồng thế giới sau đại dịch thì đã rõ.

Nếu trong những tháng vừa qua, con virus nhỏ bé hình vương miện đã nhấn chìm nhân loại xuống dòng nước đen ngòm của suy thoái, bệnh tật và chết chóc, thì nó cũng là cớ để cộng đồng con người tìm cho mình sự chiến thắng mới của tình bác ái đại đồng. Cái chết của hàng trăm ngàn người trong cơn dịch bệnh này là những viên kim cương, họ mong chúng ta gìn giữ họ trong ký ức, để lương tâm chúng ta, trong mọi chính sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị xã hội và văn hoá, đều được soi sáng, lấp lánh sự liên đới, thông cảm và tình thương.

Bùi Quang Minh, S.J.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

NGƯỜI TA BÁM VÀO ĐÂU TRONG CƠN ĐẠI DỊCH


Khi trò chuyện với các bạn sinh viên, tôi nhận được một câu hỏi khá thú vị: “Thầy ơi, nếu không tin vào Thiên Chúa, không tin vào tôn giáo, vậy người ta bám vào đâu trong đại dịch?” Hỏi như thế vì bạn sinh viên Công Giáo này thấy mình may mắn, vì có Thiên Chúa và Giáo Hội. Đó là nguồn an ủi rất nhiều để nâng đỡ đời sống tâm linh cho bạn đó. Khi buồn sầu, nhất là khi dịch bệnh khiến nhiều người hoang mang, bạn ấy được rất nhiều bình an khi chạy đến với Thiên Chúa.

Để trả lời cho câu hỏi của bạn trên đây, thiết tưởng là những người trong cuộc mới rõ. Nghĩa là thử nhìn những người vô tín, chắc họ cũng có nhiều thứ để bám vào. Họ cũng vẫn nhiều hy vọng một ngày rất gần, khoa học sẽ tìm ra phương thuốc chữa trị. Người ta vẫn bám vào những mối tương quan trong gia đình. Họ thảo luận với bạn bè, khuyến khích nhau trước cú sốc này; và họ cũng bày tỏ, chia sẻ cảm giác của mình trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram, v.v. Cuộc sống vẫn êm trôi đối với nhiều người. Bởi trước giờ, Thiên Chúa hay tôn giáo không thuộc lãnh vực của người vô tín. Khi khó khăn hoặc dịch bệnh xảy đến, họ cũng đang tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Các nhà tâm lý phát hiện ra rằng, tôn giáo có thể giúp người ta được bình an để vượt qua khó khăn thử thách hơn. Ngược lại, những người không có đời sống tâm linh, thường bất an nhiều hơn khi họ phải đương đầu với sóng gió. Khoa tâm thần phân liệt cũng cho thấy tâm linh có thể giúp người bệnh vượt qua bệnh tật dễ dàng hơn. Đó là những nghiên cứu phần nào cho chúng ta câu trả lời trong thời gian đại dịch này.

Khi trò chuyện với một chuyên viên tâm lý về vấn đề này, câu hỏi trên phần nào sáng lên hơn. Vị ấy chia sẻ với tôi về những chỗ người ta có thể bám víu. Đó là tiền bạc, địa vị hoặc danh vọng, những thú vui của nhân tình thế thái. Tuy vậy, dịch bệnh dường như đang kéo đổ mọi điểm tựa ấy của nhiều người. Virus không phân biệt đẳng cấp xã hội, không kén chọn giàu nghèo, ai cũng có thể nhiễm và ai cũng có nguy cơ tử vong. Trước nguy hiểm nhãn tiền ấy, lắm người vô tín đang để ý đến đời sống nội tâm của mình hơn. Không ít người cũng suy nghĩ về hậu vận của mình. Nhiều người đến với những phương pháp thiền, Yoga hoặc trầm mặc hơn để lòng bất biến giữa dòng đời vạn biến. Họ trò chuyện với gia đình, người thân nhiều hơn. Họ tìm đến những điều ý nghĩa hơn. Lúc này tiền bạc, quyền lực dường như không quá quan trọng bằng sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

Dĩ nhiên người vô tín là người không biết và không tin vào Thiên Chúa. Họ cũng chẳng tin Thiên Chúa có thể giúp họ đạt được những điều họ ước ao không? Tựu trung, họ chưa có kinh nghiệm về Thiên Chúa, hoặc rất ít tâm tình thiêng liêng về Đấng Siêu Việt nào đó. Họ tự sức tin rằng mình có thể làm cho cuộc sống này nhiều ý nghĩa và bình an hơn. Hẳn là ai cũng có quyền tin và phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng nếu để ý, những điều họ đang khao khát, Thiên Chúa của chúng ta, hoặc tôn giáo nói chung, có thể cho họ câu trả lời thỏa đáng hơn. Đó là đạo, là con đường mà không phải ai cũng thích bước vào!

Để tiếp cận gần hơn câu hỏi trên, chúng ta thử đi sâu hơn một chút. Chắc ai cũng biết Blaise Pascal (1623–1662). Ông là nhà toán học và là triết gia nổi tiếng người Pháp. Khi bàn luận về vấn đề tôn giáo hoặc Thiên Chúa có cần thiết hay không, ông giải thích bằng “một phiên đánh cược”. Nghĩa là trước vấn đề thiện ác, con người không thể tự sức mình giải quyết được. Ông cho rằng người ta có thể làm một cuộc đánh cược, mà kết quả chỉ có thể biết được sau khi người tham gia trò chơi lìa đời. Nếu một tín hữu tin vào Thiên Chúa mà Thiên Chúa không có thật thì số phận của anh cũng giống như một người vô tín. Ngược lại, nếu Thiên Chúa có thật thì người ấy lại được tất cả. Như vậy, vấn đề lo âu và khắc khoải trong đời sống con người không được giải quyết bằng lý trí đơn thuần, nhưng còn được giải quyết bằng niềm tin.

Là người Công Giáo sùng đạo, Pascal tin rằng Thiên Chúa luôn cho người ta những điều tốt đẹp. Nhất là trong hoàn cảnh khốn cùng, niềm tin tôn giáo hoặc tương quan với Thiên Chúa luôn cho họ sức mạnh để vượt qua dễ dàng hơn. Thật dễ thấy khi đại dịch bùng phát, cả Giáo Hội Công Giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung, mọi tín hữu đều muốn bám vào Đấng họ đang tôn thờ. Các Kitô hữu thì bám vào Thiên Chúa; các phật tử thì bám vào Đức Phật; người đạo Hồi thì bám vào Đấng Allah; người theo đạo Do Thái thì bám vào Đấng Gia–vê; hoặc người không theo đạo cũng có thể cầu khẩn trời phật. Nói chung, người tin vào Đấng Siêu Việt, nghĩa là tuy sống dưới đất, nhưng lòng họ vẫn hướng về trời cao. Đó là nguồn sức mạnh để họ vượt qua mọi sóng gió phong ba.

Thật khó để đo được mức độ bình an và hạnh phúc của mỗi người. Hẳn là người không tin vào Thiên Chúa cũng đang có những cách phòng chống dịch bệnh. Với họ, Thiên Chúa vẫn còn xa vời. Nếu người tín hữu bám vào Thiên Chúa, thì người vô tín vẫn bám vào những thứ cần thiết trên mặt đất này. Nếu Thiên Chúa cho ta sức mạnh, hy vọng, bình an và phó thác để vượt qua cơn đại dịch này, thì người vô tín chắc cũng bám vào những điều ấy; nhưng với họ, những giá trị ấy không đến từ Thiên Chúa.

Dẫu sao trong đại dịch lần này, người tín hữu nói chung, người Công Giáo nói riêng, may mắn vì còn Thiên Chúa để bám vào. Thiên Chúa không phù phép cho dịch bệnh hết ngay lập tức. Ngài cũng chẳng biến hóa cuộc sống nhân loại để bình thường như trước. Ngài cũng chẳng ép buộc ai tin theo Ngài. Chắc một điều, Thiên Chúa thì gần gũi, Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Ai tin yêu nơi Ngài thì được hơn là mất, lợi ích nhiều hơn thiệt hại, và may mắn hơn là rủi ro.

Chút giải thích trên đây có thể chưa đi vào ngọn nguồn câu trả lời; nhưng đó là dịp để chúng ta tạ ơn Chúa. Cảm ơn Ngài vì hồng ân đức tin. Bởi chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà chúng ta được cứu độ, đây không phải bởi sức lực của ta mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc ta đang làm, để không ai có thể hãnh diện. (Ep 2,8–9). Nhất là trước hiểm nguy của virus, chúng ta không mất niềm tin và hy vọng vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã sống lại và chiến thắng tử thần. Đó là sứ điệp Phục Sinh.

Sau Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh, khi ban phép lành toàn xá cho Rôma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc mỗi người tín hữu: Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, không phải thời gian của ích kỷ, của chia rẽ và cũng chẳng phải thời điểm của lãng quên. Trong tâm tình đó, thật cao đẹp biết bao để cầu nguyện cho những người chưa tin vào Thiên Chúa. Mong họ cũng được nhiều bình an, và biết bám vào những gì là chân, thiện, mỹ.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

ĐỪNG ĐỂ VIRUT CÁCH LY LÒNG NGƯỜI


Cả nhân loại đang tập trung về con vi rút Corona. Ai ai cũng lo sao cho mình không bị nhiễm chủng vi rút mới nguy hiểm này. Nhiều người được cách ly hoặc tự cách ly để không bị lây bệnh. Cách ly là điều cần thiết phải làm trong hoàn cảnh hiện nay. Thế nhưng, dường như không ít người đang tạo ra “một loại cách ly khác” đáng sợ hơn, đó là cách ly lòng người.

Có một làn sóng kết án nhau đang xảy ra giữa một vài quốc gia, hoặc giữa người dân với chính quyền. Có hay không việc một quốc gia kia cố tình tạo ra vi rút như một loại vũ khí sinh học để phục vụ chiến tranh. Tại sao chính quyền nọ lại cố tình giấu dịch, không khai báo số người nhiễm hoặc chết vì bệnh dịch. Thật khó để tìm ra được sự thật ngay lúc này. Và việc tìm ra sự thật cũng chưa chắc là việc cấp thiết bây giờ. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, niềm tin mà chúng ta tạo ra cho nhau mới thật sự quan trọng. Tin tưởng tạo nên sự gắn bó, nó sản sinh sức mạnh cho sự đồng tâm hiệp lực. Ngược lại, sự ngờ vực dễ làm chúng ta lảng tránh trách nhiệm, đổi lỗi cho nhau và gây ra những căng thẳng nguy hại. Tuy vậy, đã dần xuất hiện những tia sáng của niềm tin khi mà đâu đó một số quốc gia đã cử các chuyên viên y tế đi cứu trợ nước bạn; hoặc không thiếu những tình nguyện viên sẵn sàng xông pha vào đầu chiến tuyến để chăm sóc những người bệnh. Mong rằng lòng tin sẽ khai sinh lòng gắn bó nơi hàng triệu con tim trên khắp thế giới.

Một vài đoạn phim được đăng trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân chen chúc mua đồ trong siêu thị. Nhiều người vơ vét và giành giật từng món hàng, ai cũng muốn lấy cho thật nhiều, thậm chí còn xảy ra ẩu đả. Dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người chuộc lợi từ việc kinh doanh khẩu trang và các thiết bị phòng hộ y tế. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các nước Châu Á, nhưng còn xuất hiện cả ở những nước Châu Âu – vùng đất được xem là văn minh tiên tiến. Tích trữ là điều cần thiết khi nhiều khu vực đang bị phong tỏa, nhiều gia đình đang tự cách ly. Thế nhưng làm thế nào để nhu yếu phẩm được phân chia đồng đều cho tất cả mọi người. Làm sao để lòng tham và sự bần tiện không chế ngự lòng người. Và bằng cách nào chúng ta có thể chia sẻ với những người nghèo, những người đang đói khát trong các vùng cách ly. Lòng người chẳng dễ bị cách ly nhưng sẽ xích lại gần hơn khi người ta biết sống vị tha, biết sẻ chia yêu thương với tấm lòng chân thành. Dù sao thì đâu đó người ta đang bắt đầu phân phát khẩu trang miễn phí, và nghe đâu ở nhiều khu vực, người ta đang quyên góp lương thực để giúp đỡ người nghèo. Tình người đang dần sưởi ấm những con tim lạnh lẽo trong những căn phòng cô đơn, và đồng thời cũng thức tỉnh những giá trị làm người.

Cư dân mạng xôn xao phê phán những người mang vi rút đầu tiên và lây cho nhiều người. Đúng hơn là họ lên án thái độ không biết tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Thậm chí, có những người còn trốn khỏi khu vực cách ly “và mang hiểm họa vào thế giới.” Ai đó có thể đọc được sự tích cực đằng sau những bình luận gay gắt của cộng đồng. Phần lớn họ chỉ muốn tất cả cùng cảnh tỉnh và giúp nhau an toàn qua mùa dịch. Nhưng mong rằng ai đó không để lòng mình ra hận thù và oán hờn. Bởi có thể ngày mai bạn sẽ là người mang vi-rút, và có thể ngày kia ai đó sẽ nhiễm vi-rút từ bạn. Tôi nhớ trong một lần bị bệnh “thập tử nhất sinh”, nhờ sự chăm sóc ân cần và yêu thương của mẹ, tôi đã có động lực dưỡng bệnh và hồi phục nhanh chóng. Ở nơi khu vực cách ly, những người bệnh không còn bị cô đơn nhờ những dòng tin nhắn, những cuộc gọi “video chat” từ gia đình, bạn bè và người thân. Họ động viên và an ủi nhau, tuy xa mà thật gần.

Xét cho cùng, chẳng ai mong dịch bệnh xảy ra cả. Thế nhưng, phải chọn một lối sống ra sao khi nó xảy đến mới là điều quan trọng. Có người chọn thu mình lại và hưởng thụ những tích trữ sẵn có của mình. Người khác lại chọn mở lòng hướng về thế giới, chia sẻ nỗi đau với cộng đồng nhân loại; và họ chẳng tiếc sẻ chia với những ai đang bần cùng thiếu thốn. Chúng ta có thể an toàn khỏi dịch, hoặc hồi phục khỏi bệnh, nhưng liệu con tim có được phục hồi, nhân cách có được lớn lên sau mùa Covid-19 này chăng. Dịch bệnh có thể cách ly thân xác của chúng ta với thế giới bên ngoài, nhưng không thể chia cắt tấm lòng chúng ta hướng tới mọi người, và ngăn cản tâm hồn chúng ta hướng lên Thiên Chúa. Vậy nên, đừng để vi rút cách ly lòng người.

Manila, 12.03.2020
Bạch Quang

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

CẢM ƠN NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG


Trong tình cảnh rất khó khăn hiện nay, khi tôi đang bình an vô sự ở nhà, thì có bao người vẫn đang gồng mình chiến đấu hết mình ngoài kia. Đó là những chiến sĩ áo trắng, những thiên thần trong lòng tôi. Dù không thể bước vào trận chiến giống như họ, nhưng tôi cũng cảm giao phần nào tình cảnh khốn đốn của những con người ấy. Tôi cảm thấy rất cảm kích và thán phục những y bác sĩ đang miệt mài làm việc ở tuyến đầu. Họ đang ra sức chiến đấu giữa vòng vây của một kẻ địch vô hình mang tên Covid. Tôi mong muốn họ cũng có thể cảm nhận tấm lòng biết ơn của tôi cũng như rất rất nhiều người dành riêng cho họ.

Chia sẻ với một vài người bạn là các y bác sĩ trong bệnh viện, tại khu cách ly, tôi chợt nhận ra những chứng nhân âm thầm trong đạo ngoài đời ngay giữa xã hội này. Họ đã hi sinh bao điều, từ bỏ nhiều thứ. Chỉ cần vài phút thôi, trong những bộ quần áo bảo hộ dày cộm, cả người họ đã ướt đẫm mồ hôi “như chuột lột”. Một cảm giác thật khó chịu khi làm việc, lúc chăm sóc bệnh nhân. Những bữa ăn tranh thủ, những giấc ngủ vội vàng cứ lững lờ trôi. Mọi thứ quanh Cô Vy đang hành hạ, vắt kiệt sức lực của họ. Hôm nay đã ngót nghét “mùng 80 Tết” của bao người trong số chúng ta, thì rất nhiều người trong số họ đã “mất trắng” cái Tết năm nay. Họ liều mình tình nguyện xung phong đi tuyến đầu, đổ bao công sức lấy mẫu, xét nghiệm cho ra kết quả, hỏa tốc tìm cách khắc chế con virus tàn bạo kia. Đâu còn cảnh đoàn viên với gia đình, họ cũng lo tự cách ly, luôn phải sống trong cảnh xa cửa xa nhà.

“Thương Tổ Quốc, em hãy đợi
Hết dịch rồi, anh sẽ lại về thôi…” (Nếu anh không về – Vũ Tuấn)

Bạn tôi chia sẻ, họ đã từng tuyệt vọng, chán nản vì những kết quả chẳng mấy khả quan. Ở đấy, giữa ổ dịch, có quá nhiều cảm xúc đang “lúc nhúc, rúc rỉa” sức lực, nỗ lực ngày đêm của họ. Đối diện với sự sống và cái chết của bệnh nhân bao năm nay vốn đòi hỏi nơi họ một cái đầu rất tỉnh táo và con tim đủ tình thương; nhưng giờ đây, mọi chuyện lại trở nên khó khăn, khốn đốn hơn rất nhiều. Áp lực tứ bề đè nặng trên đôi vai “con người” của họ. Lạc lõng, cô đơn giữa vùng dịch đã hơn một lần kéo ghì ý chí của họ xuống. Những lắng lo cho bản thân, cho thân nhân, và cả đồng nghiệp đầy ứ nơi họ. Nỗi sợ hãi cứ rình rập, lập lờ quanh họ trong các khu cách ly, ngay tại ổ dịch…. Có lẽ trên đời này có bao nhiêu cảm giác khổ đau thì họ cứ thay nhau nếm trải. Bạn tôi cũng chia sẻ, có nản có chán đấy, nhưng họ vẫn đứng lên tiếp tục chiến đấu, nung nấu hy vọng cho bao người. Họ tiếp tục cống hiến để biến ước mơ của bao người thành hiện thực. Có vẻ như trong những tháng ngày cùng cực này, ngoài những người bị nhiễm Covid, thì mấy ai đau bằng họ, khổ như họ. Thế mà, mấy người trong họ kêu than, thở dài vì những nỗi khổ niềm đau ấy. Tưởng như cả nhân loại đang vác một cây Thánh Giá quá nặng mang tên Cô Vy, ngỡ như chúng ta đang cùng đi vào Cuộc Thương Khó não nề của Chúa, thì có lẽ những người đi đầu theo dấu chân Đức Giê-su chính là họ.

Những con người ấy vô tình trở thành những hình mẫu lý tưởng, những người thầy ưu tú về lẽ sống, về ý nghĩa cuộc đời cho tôi. Trong chính nghịch cảnh hiện tại, họ đã khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống nơi bản thân mình. Ở nơi ấy, giữa lúc ngặt nghèo, khắc nghiệt của bệnh dịch, họ cũng chất đầy những cảm giác trống rỗng, không thiếu những vết khuyết bên trong, đôi khi bị mắt kẹt trong lơ lửng của tuyệt vọng, chán nản của niềm tin. Dường như họ luôn bị dồn vào tình thế căng thẳng. Một bên là bổn phận, là những việc đã hoàn thành, một bên là những việc vẫn còn phải hoàn thành, là lý tưởng, là đam mê trong nghề của họ. Lúc ấy, tấm lòng từ mẫu của vị lương y tiềm ẩn bên trong con người họ mới dần mở ra hơn. Ngay giữa hiểm nguy, họ hiểu hơn nhiều điều về trách nhiệm với xã hội, với lương tâm của mình. Họ cần thực hiện nhiệm vụ nào? Điều ấy hướng tới mục tiêu gì? Nó dành cho ai? Chính trong tình thế khốn khó này, họ đã “vượt lên cái tôi hạn hẹp” của chính mình. Gạt bỏ ý riêng để hướng đến những gì thiêng liêng, cao quý. Ở nơi ấy, hình như họ vẫn hướng tới, và được định hướng đến một điều gì đó, một ai đó vượt lên trên bản thân của họ. Điều ấy đang thôi thúc họ chạy đua với mọi thứ để mau khử trừ dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ cao quý của mình. Điều này cũng thúc đẩy họ tới miền đất của lòng bác ái, của chân lý, của cái đẹp ngay giữa những hoàn cảnh tang thương. Đặc biệt là cảm nhận tình yêu lớn lao vô hình, thấu hiểu tình cảm của thân hữu, của đồng bào dành cho họ. Từ ấy, họ khám phá sức mạnh ẩn sâu lâu nay nơi mình. Nhờ thế, những con người ấy dễ dàng dành tình yêu ấy cho bệnh nhân, truyền sức mạnh rất lớn cho những người đang quằn quại trên giường bệnh. Hơn nữa, trong chính tình cảnh nghiệt ngã ấy, họ tìm thấy ý nghĩa của khổ đâu. Thật thế, đôi khi họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh, tình hình, nhưng họ đã khám phá ra sức mạnh nội tại có thể biến bi kịch thành chiến thắng. Giả như một ai trong số những người mà họ yêu thương có thể thế chân cho họ, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Bởi những chiến sĩ áo trắng can trường ấy đã chọn gồng gánh thay cho chồng cho vợ và con cái. Thay vì chọn chỗ sung sướng, tìm nơi né tránh, họ đã tìm thấy ý nghĩa thực sự của đời mình trong đau khổ. Đó là bài học đắt giá dành cho tôi. Nhờ họ, tôi mới ngộ ra, tôi chẳng thể thay đổi hoàn cảnh được nhiều trong đau khổ, nhưng điều ấy đang thử thách tôi, đang thách thức tôi thay đổi chính mình. Đâu là ý nghĩa cuộc sống của tôi trong thời điểm hiện tại?

Ở nhà, tôi rất muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những chiến sĩ áo trắng can trường ngoài kia. Với lòng biết ơn, tôi thấy họ là cảm hứng cho cuộc sống của mình khi đứng trước khổ đau, là những tấm gương sáng mà tôi cần mang theo bên mình. Họ quả là những chứng nhân sáng láng giữa bầu trời u ám của xã hội này. Họ xứng đáng là những người môn đệ đích thực của Đức Giê-su mà tôi hằng khát khao. Trong tâm tình tri ân, tôi cũng muốn làm gì đó theo gương họ. Có lẽ, cứ kiên trì, Chúa sẽ hé mở cho tôi biết sẽ phải làm gì để biến ước mơ của chúng ta sớm thành hiện thực.

Nếu như thời gian có hồi ảnh, không gian có vọng thanh, thì những con người ấy vẫn kịp để lại dấu ấn trong cát bụi đời người với những giá trị thật cao quý trong cuộc sống ngắn ngủi này. Mai đây, họ sẽ có thể hưởng trọn niềm vui, niềm tự hào vì đã sống một cuộc sống trọn vẹn nhất trong thời đại dịch này.

Lyeur Nguyễn

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

HỌC TẬP TRONG THỜI ĐẠI DỊCH


(Bài viết của tiến sĩ Brandon Warmke và tiến sĩ Justin Tosi)

Vào ngày 22/10/1939 – một tháng sau khi Đức quốc đánh chiếm Ba Lan và Thế Chiến thứ II nổ ra – C.S. Lewis, một nhà tiểu thuyết và cũng là một nhà văn lừng danh người Anh đã trình bày một bài diễn văn tại thành phố Oxford với nhan đề “Học tập trong thời chiến”, với mục đích chính yếu là bảo vệ tầm quan trọng của việc theo đuổi học thuật trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Làm thế nào để có thể tiếp tục học tập trong lúc khó khăn và căng thẳng như thế. Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho cả học sinh lẫn các giáo viên, thông điệp của Lewis có một mối liên hệ đặc biệt với bối cảnh hiện tại của chúng ta.

Lewis bắt đầu với việc nhắn nhủ các sinh viên rằng:

“Trường đại học là một cộng đồng theo đuổi việc học tập. Là các sinh viên, các bạn sẽ được hy vọng để trở thành: “các triết gia, các nhà khoa học, các học giả, các nhà phê bình hoặc các sử gia.” Thoạt nhìn, đây có vẻ là một việc làm lố bịch trong [thời đại dịch]…Tại sao và làm sao chúng ta lại có thể tiếp tục cảm thấy hứng thú với những việc này một cách điềm nhiên như vậy, trong khi cuộc sống của bao người [hàng triệu người trên khắp thế giới] đang trong cảnh hoang mang lo sợ? Đó chẳng phải là thái độ kiểu ‘cháy nhà hàng xóm’ hay sao?”

Lúc này, nhiều người trong giới tri thức (học sinh cũng như giáo viên) đã được yêu cầu làm việc tại nhà để làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19. Vì đối với đại đa số chúng ta, điều tốt nhất chúng ta có thể làm, đơn giản là ở nhà và cố gắng làm công việc của mình. Trong bối cảnh đó, thật kỳ quặc khi ngồi xuống và thực hiện các nghiên cứu của riêng mình, cho dù đó là việc nghiên cứu một tác phẩm Shakespeare hay viết một bài luận về Ý Chí Tự Do. Điều này có vẻ lạc lõng và dường như là không thích hợp.

Lewis nói tiếp:

“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng nhìn tai họa hiện tại trong một viễn cảnh thật của nó. [Đại dịch] không tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới; nó chỉ đơn giản là làm cho cuộc sống của con người trở nên tồi tệ hơn mà thôi, để chúng ta không còn có thể phớt lờ những sự tồi tệ thường nhật vốn đã tồn tại trước đó thêm nữa. Đời sống của con người vốn luôn đứng trước bờ vực thẳm…Nếu chúng ta đã trì hoãn việc tìm kiếm tri thức và cái đẹp cho đến khi chúng ta được an toàn, thì cuộc tìm kiếm ấy đã chẳng bao giờ được khởi sự.

Chúng ta đã lầm khi chúng ta so sánh [đại dịch] với “cuộc sống bình thường”. Cuộc sống chưa bao giờ là bình thường cả. Ngay cả khi có những khoảng thời gian mà chúng ta nghĩ rằng đó là lúc thanh bình nhất, giống như thế kỷ 19 vậy, ai ngờ khi xem xét kỹ lưỡng hơn, ta lại nhận ra rằng thời đại ấy đầy dẫy những khủng hoảng, lo sợ, khó khăn và cấp bách. Những lý do chính đáng để dừng tất cả các hoạt động văn hóa thuần túy chưa bao giờ thiếu cả, nhưng chỉ cho đến khi có một vài nguy cơ khiến nó buộc phải dừng lại hoặc có các lời kêu than về sự bất công nảy sinh. Nhưng đã từ rất lâu, nhân loại đã chọn cách phớt lờ những lý do chính đáng này.

Những con côn trùng đã chọn một con đường khác: trước tiên, chúng tìm lợi ích vật chất và sự an toàn nơi các tổ ong, tất nhiên, sau đó chúng đã được toại nguyện. [Con người] thì khác. Họ phát kiến ra các định lý toán học trong những thành phố bị vây hãm, tiến hành các cuộc tranh luận siêu hình học trong các tử ngục, pha trò trên các giàn hỏa thiêu, thảo luận về những bài thơ mới nhất khi tiến tới những bức tường ở Quebec và chải tóc trước trận địa Thermopylae. Đây không phải sự phô trương nhưng là bản chất của chúng ta.”

Ở đây, Lewis nói rằng thảm họa không tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới. Điều đó không có nghĩa là không có bất kỳ sự khác biệt nào hay là chúng ta cứ tiếp tục công việc của mình y như lúc chưa có khủng hoảng. (Tất nhiên, sự khác biệt là: làm ơn hãy ở nhà!) Lewis có ý nói rằng nếu công việc của chúng ta thực sự quan trọng và thiết yếu ngay cả khi cuộc khủng hoảng chưa xảy ra, thì nó vẫn nên được tiếp tục khi sự khủng hoảng đang hoành hành. Không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được sự mong manh của phận người. Lúc này, trong trận đại dịch, sự ý thức ấy có thể trở nên rõ nét hơn trong tâm trí chúng ta, nhưng sự mong manh của chúng ta vẫn luôn ở đó. Tuy nhiên, Lewis nói rằng đó chính là bản chất của chúng ta, bản chất theo đuổi Chân, Thiện, Mĩ ngay cả khi phải đối mặt với sự nguy hiểm hay những điều không chắc chắn. Bản chất của chúng ta không chỉ theo đuổi những điều như thế, nhưng những cuộc kiếm tìm ấy còn thực sự có giá trị đối với chúng ta.

Trong thực tế, Lewis tiếp tục nói rằng việc học của chúng ta là một nghĩa vụ:

“Với một số người, học tập là một nghĩa vụ. Đừng để trạng thái hoảng loạn và cảm xúc của bạn khiến bạn nghĩ về tình trạng khó khăn mà bạn đang trải qua trở nên nghiêm trọng hơn mức độ thực sự của nó.”

Một lần nữa, nếu hoàn cảnh hiện thời của chúng ta không khác biệt về bản chất, nhưng chỉ khác biệt về mức độ, so với những gì mà chúng ta gọi là “cuộc sống bình thường,” thì việc theo đuổi việc học thuật của chúng ta nên được coi như là có giá trị. Điều này thích hợp với các học sinh, sinh viên đang tham gia vào các diễn đàn trực tuyến cũng như các giáo viên đang học cách sử dụng công nghệ hội đàm qua truyền hình (video-conferencing technology).

Lewis kết luận với lời khuyên làm thế nào để một người có thể tiếp tục theo đuổi việc học tập bất chấp những khó khăn, thách đố:

“Kẻ thù đầu tiên chính là sự dao động – khuynh hướng luôn suy nghĩ và cảm nhận về [dịch bệnh] trong khi chúng ta đã định suy nghĩ về công việc của mình. Tấm khiên bảo vệ tốt nhất đó là việc nhận ra rằng [dịch bệnh] không thực sự nổi lên như một kẻ thù mới nhưng chỉ là một tác nhân làm mạnh lên một kẻ thù vốn đã có từ trước mà thôi. Công việc của chúng ta luôn có rất nhiều kẻ thù…Chỉ có những người khao khát tri thức đến độ họ tìm kiếm nó ngay cả trong những điều kiện không thuận lợi, đó mới là những người thành công. Điều kiện thuận lợi sẽ chẳng bao giờ đến. Tất nhiên, có những thời điểm mà áp lực của những dao động quá lớn đến độ chỉ có những ‘người siêu tự chủ’ mới có thể chống lại nó được. Họ bước vào cả [trận đại dịch] lẫn sự hoà bình. Chúng ta phải cố gắng bao nhiêu có thể.”

Lewis chỉ ra rằng học tập là có giá trị và giá trị ấy vẫn có một vị trí quan trọng trong các thời kỳ khủng hoảng. Hoàn cảnh hiện thời của chúng ta sẽ không cho phép chúng ta phớt lờ điều kiện nhân sinh, nhưng dù có thích nó hay không thì chúng ta cũng vẫn ở trong điều kiện ấy. Một cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ mở đường cho những thử thách mới, đặc biệt những gì mà Lewis gọi là “sự dao động” – đó là một cơn cám dỗ xúi giục chúng ta chỉ còn nghĩ về cơn khủng hoảng mà bỏ quên công việc của mình. Với một số người, cuộc khủng hoảng ấy trở nên trầm trọng hơn bởi cơn lốc tin tức và bởi Twitter, Facebook… Tất nhiên, chúng ta luôn có thể gặp phải những xao lãng trong chuyện học tập của mình, và việc nhận ra rằng sự xao lãng trong hoàn cảnh hiện thời chỉ là một kẻ thù cũ dưới một mặt nạ mới mà thôi, việc nhận ra chân tướng của vấn đề như vậy có thể giúp chúng ta vượt qua được nó.

Lewis khích lệ chúng ta hãy làm những gì mà chúng ta coi là có giá trị trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện thời: đọc một tiểu thuyết thú vị, ôn thi, viết một bài nghiên cứu, cuối cùng là hoàn thành những điều ấy. Một đại dịch có thể gây ra nhiều thiệt hại nhưng đừng để nó cản trở việc học tập của bạn!

Văn Tài, S.J. (lược dịch)

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

SILENCE FILM



Có lẽ mục tiêu không thể thiếu để làm nên sự thành công của bất kì một bộ phim nào là cho người xem cảm được và hiểu được thông điệp mà nó muốn truyền tải, một ý nghĩa sâu xa hơn những gì đang diễn ra trong mỗi cảnh quay. Và “Silence” cũng không ngoại lệ.

Là bộ phim lịch sử năm 2016, được đạo diễn bởi Martin Scorsese - người đồng sáng tác kịch bản với Jay Cocks, “Silence” kể về linh mục Ferreira thuộc Dòng Tên ở Bồ Đào Nha đã chối đạo công khai và giúp chính quyền Nhật Bản bách hại các Kitô hữu. Để đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng này, hai linh mục trẻ tuổi là Cha Rodrigues và Cha Garupe xin được đi tìm hiểu điều gì đã xảy ra với Ferreira và tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho các Kitô hữu Nhật Bản bị bách hại. Qua “Silence”, người xem được hứa hẹn sẽ chạm tới một nhận thức mới hơn về Thiên Chúa, về Nhật Bản trong thế kỉ XVII nhiều hỗn độn dưới thế lực của các nhà cầm quyền; về sự kiên cường của các Kitô hữu; về tính cách nhân vật mang tên Kichijiro và cuộc đời của các linh mục Dòng Tên chối đạo trên chính mảnh đất mà họ đã can đảm đặt chân đến để gieo trồng đức tin.

Như lời tường thuật của Ferreira trong phim, Nhật Bản được biết đến không giống như cái tên người ta thường gọi “Đất nước mặt trời mọc”. Đúng hơn nó được nhìn nhận là xứ sở của đầm lầy, mây mù, tăm tối, chết chóc và những tiếng rên rỉ đến rợn mình. Khoảng những năm 1600, chính quyền Nhật thực thi chính sách “Tỏa Quốc”. Các thương gia, trừ người Hà Lan và người Trung Hoa, đều bị cấm tới đây, và người Hà Lan bị hạn chế, chỉ được phép đến một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki. Vì thế, không lạ gì khi hai linh mục truyền giáo Dòng Tên lại phải xuống tàu buôn của người Trung Hoa mới tới được Nhật Bản, mặc dù theo lịch sử Bồ Đào Nha lúc bấy giờ rất phát triển về giao thương. Song song với chính sách đó, Nhật Bản còn thực hiện các cuộc đàn áp, bách hại tàn bạo với tất cả những ai truyền bá và theo Kitô giáo. Sự phản đối của chính quyền Nhật với Kitô giáo nhắm vào những yếu tố chính trị phức tạp. Họ cho rằng sự có mặt của Ki-tô giáo có thể là chiêu bài cho các nước châu Âu tiếp cận, làm rối loạn Nhật Bản để dễ dàng xâm chiếm Nhật. Từ lúc đó, các hội truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành mối đe dọa nguy hiểm cần phải tiêu diệt; tiếp đến là để ngăn chặn những cuộc nổi loạn của nông dân chống lại các nhà lãnh đạo. Sự phản ánh chân thực một chế độ xã hội rất khắc nghiệt thời bấy giờ được thể hiện khá rõ nét qua hình ảnh những người nông dân nghèo khổ đa phần là Kitô hữu, họ khát khao có được cuộc sống tự do về tinh thần, và muốn thoát khỏi gánh nặng của đói kém, nặng nhọc, sưu cao thuế nặng…Bởi đó, biện pháp được cho là tốt nhất giúp chính quyền Nhật đạt được trọn vẹn hai mục tiêu trên là “đổ máu chính các Kitô hữu Nhật”, dù họ khẳng định rằng “không muốn bách hại mọi người”; họ không có niềm vui thực sự khi tra tấn các Kitô hữu, và chỉ xem nó như là hình thức.

Các cuộc bách hại diễn ra ngày càng gay gắt, thì lòng kiên cường của các Kitô hữu Nhật Bản càng được biểu lộ. Trong trường hợp không có một nhà thờ chính thức, họ đã bổ nhiệm các trưởng lão để thực hiện vai trò và chức năng của các linh mục, đặc biệt là làm phép rửa tội cho trẻ em. Họ họp nhau cầu nguyện dưới các hầm kín và buộc phải giấu diếm tín ngưỡng bằng cách vẫn thực thi những lễ nghi của đạo Phật. Sự giấu diếm và trốn ẩn của các Kitô hữu Nhật không vì lo sợ cho tính mạng cá nhân, nhưng vì đức tin, vì sự sống còn của người khác nữa: Họ sẵn sàng hy sinh chịu chết để “Bảo vệ các linh mục” thoát khỏi sự kiểm soát, nghi ngờ của chính quyền và nếu “Không làm những gì họ muốn, có thể người trong làng sẽ gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, không phải tất cả các Kitô hữu Nhật đều có cùng suy nghĩ như vậy. Khi chứng kiến những gian khổ, cực hình mà người thân của họ phải chịu so với mối lợi tiền bạc, sự sống đặt ra trước mắt đã làm cho không ít Kitô hữu thất vọng, e ngại, xung đột, bán đứng người khác và bỏ đạo. Còn lại những ai không chịu bỏ đạo đều phải chết dưới những hình thức man rợ như nhau: Ngâm mình trong thủy triều; thiêu sống; dìm xuống nước; chặt đầu; hay treo ngược xuống và cắt tĩnh mạch cho máu rỉ từ từ…Vẫn có những tiếng khóc kèm theo sự sợ hãi, rên rỉ, nhưng họ không chửi rủa, không than trách, không hận thù; họ đã hát, đã xưng tội, đã cùng nhau cầu nguyện, và xin ơn đối mặt với cái chết để “Chứng minh sức mạnh đức tin của mình và sự hiện diện của Chúa bên trong”. Chính niềm tin kiên cường đó đã đem đến sức mạnh không chỉ cho họ, nhưng còn thắp lên hy vọng và niềm tin, thậm chí cho cả những người đã mang Chúa đến với họ.

Linh mục Rodrigues và các Kitô hữu Nhật Bản 

Đúng như Ferreica từng khẳng định: “Sự dũng cảm của họ đem đến cho linh mục chúng tôi sức mạnh để ở lại đây bí mật”, một linh mục đã từng gieo trồng đức tin cho người Nhật, nhưng chính lúc này đây ông lại cần đức tin hơn bao giờ hết. Cần đức tin của những con người can đảm đối mặt và đã chiến thắng cái chết vì Đức Kitô; cần đức tin của chính mình dành cho Thiên Chúa trước những kết quả không như mong đợi của công cuộc truyền giáo.

Linh mục Ferreica trong một cảnh quay 
Nhân vật Ferreira xuất hiện không nhiều trong các cảnh quay của phim, và dường như rất mờ nhạt. Trong mắt người Nhật, Ferreica là kẻ đáng bị báng bổ vì đã chối đạo, lấy vợ và trở thành Phật tử. Nhưng nét gợn buồn lộ cả những ưu tư, khắc khoải một điều gì đó trên khuôn mặt linh mục lại khiến người xem phải lắng đọng nghĩ suy. Nói tới điều này, thiết nghĩ người có thể hiểu Ferreira nhiều hơn ai hết chính là Rodrigues - một linh mục ban đầu mạnh mẽ và kỷ luật hơn so với thầy mình là Ferreira và người bạn Garupe. Lòng sốt sắng và đức tin của anh đáng ngưỡng mộ, nhưng tầm nhìn của anh bị che khuất bởi sự ích kỷ và kiêu ngạo khi nói thầy mình là “Sự sỉ nhục” đối với Giáo Hội; chê bạn mình là “Linh mục tồi”. Rodrigues tin rằng tử đạo là vinh dự cao nhất mà một người theo đạo Thiên Chúa có đức tin có thể làm được, anh ta có thể sẵn sàng chịu bất kỳ sự tra tấn nào đối với đức tin của mình. Giống như Phê-rô, anh đã từng xác tín rằng “Con sẽ không bỏ Ngài”, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự trung thành của anh ta đối với Thiên Chúa lại được trả giá bằng cách gây đau khổ cho người khác? Cả Ferreira và Rodrigues bị buộc phải lựa chọn hoặc giẫm lên hình ảnh của Chúa Kitô để biểu thị sự bội đạo hoặc xem các Kitô hữu Nhật Bản lần lượt chết một cách chậm chạp, ghê gớm vì chờ trông sự thay đổi của mình. Cả hai đều quyết định “giẫm lên Chúa” bằng chân của mình để cứu những Kitô hữu vô tội; hành động ấy gánh hết trách nhiệm vì “điều” họ đã mang đến. Hành động trong niềm tin vào lòng thương xót Chúa và rằng có những điều còn quan trọng hơn sự phán xét của Giáo Hội.

Mặc dù cả hai đều rơi vào lịch sử như những linh mục sa ngã dưới bàn tay của các nhà cầm quyền Nhật Bản, nhưng đối với những Kitô hữu Nhật, đó lại là sự hy sinh âm thầm mà vô cùng lớn: Từ bỏ đức tin của mình, làm cho chính mình mất đi phẩm giá, tạo sự thất vọng trong mắt Giáo Hội và dùng trí thức phục vụ quyền lợi của chính quyền Nhật để ngăn chặn các đối tượng Kitô giáo bất hợp pháp xâm nhập vào Nhật Bản, để cuộc bách hại không còn xảy ra đối với những người Kitô hữu Nhật Bản còn lại nữa. Cách riêng với bản thân họ, bí mật ấy vẫn được giữ kín cho đến chết. Bí mật về một đức tin được ghi dấu bởi sự đau khổ và lòng thương xót thiêng liêng giữa Thiên Chúa và con người.
Dẫu biết rằng Rodrigues đã chối đạo, bản thân Kichijiro - một người Nhật khốn khổ bất hạnh mà Rodrigues tìm thấy ở Trung Hoa và thuê làm hướng dẫn viên, vẫn coi Rodrigues là một linh mục và là người có thể tha tội cho mình. Anh ta là một biểu tượng cho sự yếu đuối và phản bội. Kichijiro liên tục từ bỏ đức tin của mình để cứu chính mình và phản bội Rodrigues vì ​​tiền, nhưng luôn chạy theo Rodrigues cầu xin sự tha thứ. Đúng hơn, anh ta muốn là một Kitô hữu, nhưng trong thời kỳ đó Kitô giáo là một đạo bất hợp pháp, anh ta thường xuyên bị tra vấn và khinh thường đức tin của mình, anh buộc phải đối mặt với việc mình là một kẻ hèn nhát bẩn thỉu; anh tự hỏi tại sao Thiên Chúa khiến anh yếu đuối hơn mạnh mẽ. Một Kichijiro liên tục “giẫm lên Thiên Chúa” nhưng vẫn tin, mãi mãi khao khát được tha thứ và vẫn tìm kiếm sự cứu rỗi, cuối cùng cũng chiến thắng bản thân trong cả tư tưởng và hành động khi dám chịu trách nhiệm về “một biểu tượng” Kitô hữu mà anh luôn mang theo bên mình. Điều này chứng tỏ anh đã được biến đổi hoàn toàn, anh không còn sợ hãi nghĩ đến mình khi phải đối mặt với thách thức của nhà cầm quyền, anh đã chết như một vị tử đạo - điều mà trước kia anh không đủ sức mạnh để làm.

“Silence” kết thúc làm cho người xem có vẻ hụt hẫng khi nhìn vấn đề hoàn toàn là một thất bại và những nghi vấn: Thất bại cho Giáo hội, thất bại bởi các nhà truyền giáo, thất bại trong đất nước Nhật Bản... Nếu con người dành sự cảm thông cho thất bại này, liệu họ có đang lạm dụng lòng thương xót của Thiên Chúa mà biện hộ cho sự yếu đuối của mình hay không? Đức tin Kitô giáo còn giữ được tinh tuyền hay sớm bị biến chất bởi một Kitô giáo hình thức? “Silence” cũng tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa niềm tin Kitô giáo và Phật giáo, quan điểm của châu Âu với châu Á, và về thuyết tương đối của đức tin. Nếu Kitô giáo đã thay đổi ở Nhật Bản, liệu nó còn là đức tin giống như những nhà truyền giáo đã tuyên xưng?

Vì thế, khi đứng trước những vấn nạn về đức tin, chủ đề một Thiên Chúa luôn “Thinh lặng” vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời cho thắc mắc muôn thưở của con người: Có Thiên Chúa hay không; nếu có tại sao Thiên Chúa lại im lặng để cho sự dữ xảy ra, và đâu là ý nghĩa của sự đau khổ mà con người phải chịu...Dĩ nhiên, Thiên Chúa sẽ không trả lời cho con người biết nguồn gốc của sự đau khổ, Ngài chỉ cho con người biết cách xử sự và đón nhận nó như thế nào, vì chính trong đau khổ và sự dữ, đức tin của con người mới được củng cố và trưởng thành hơn. Sự thinh lặng của Thiên Chúa cho ta ý thức khiêm tốn khi đứng trước các điều bí ẩn của sự sống: Có những điều vượt quá khả năng nhận thức của con người, và điều ta có thể làm là cúi đầu trước mầu nhiệm của Thiên Chúa.

“Thinh lặng” không phải là nhắm mắt làm ngơ, mà đó là sự thấu hiểu tới tận cùng “Ta được sinh ra ở đây để chia sẻ nỗi đau của con người, ta mang thánh giá đau khổ cho con”, Thiên Chúa đã không chết vì điều tốt đẹp, nhưng Ngài chết vì sự dữ và rút từ những hành động của sự dữ mà cứu con người. Thiên Chúa nhìn thấy tất cả, lắng nghe tất cả, thấu hiểu tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Ngài không cấm, không trách, không ghét khi con người dùng lý trí của mình để chất vấn Ngài: Cứ than thở, cứ rên la, cứ van xin, cứ giãi bày…Đó chính là niềm tin Thiên Chúa muốn con người đặt vào bí ẩn của sự dữ; đó là cơ hội để cho Thiên Chúa hiểu con người và con người thể hiện lòng tin nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa thinh lặng đồng hành với con người trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài vẫn đang điều hành, chăm sóc và yêu thương con người qua tất cả tạo thành, và luôn mời gọi con người lên đường tìm kiếm Ngài qua mọi biến cố của cuộc sống, đặc biệt trong đau khổ. “Thinh lặng” nói lên một tình yêu hy sinh. Tình yêu hy sinh luôn nảy nở hoa trái cho dù con người có thấy điều đó hay không.
Dương Cầm